Tăng tốc render với 5 mẹo setting Cycles
Mặc dù Eevee là công cụ render nổi bật của Blender với tốc độ ấn tượng, nhiều người dùng Blender kỳ cựu vẫn coi Cycles là công cụ render ưa thích của họ. Cycles mạnh mẽ hơn rất nhiều so với Eevee, đặc biệt nếu bạn là người họa sỹ theo xu hướng chủ nghĩa hình ảnh chân thực khi render. Tuy nhiên, một nhược điểm rõ rệt của Cycles là thời gian render sẽ lâu hơn nếu phần dựng hình có nhiều bối cảnh hoặc vật liệu phức tạp. Điều quan trọng là bạn phải biết các cách điều chỉnh thông số setting render của Cycles để có được kết quả render chất lượng cao nhất và nhanh nhất có thể. iRender hứa rằng đây sẽ là một bài viết giúp bạn dễ dàng tăng tốc độ render trong Cycles.
1. Bật tính năng render qua GPU trong tùy chọn người dùng của Blender
Khi bạn đã nắm rõ những điều cơ bản của Blender và cách nó sử dụng card đồ họa cho máy trạm của bạn thì điều này có lẽ quá đơn giản, nhưng đối với nhiều người dùng Blender lần đầu, đa số họ không biết rằng tùy chọn sử dụng GPU và CUDA/OptiX của máy thường mặc định tắt khi khởi động Blender lần đầu tiên. Bật tính năng này cho phép hệ thống biết chính xác bạn đang muốn render qua CPU hay GPU. Bạn sẽ thấy mọi thứ trong bảng điều khiển Viewport và quá trình render diễn ra vô cùng mượt mà sau khi bật tính năng này.
Đầu tiên, hãy vào tab Edit (Chỉnh sửa) và chọn Preferences > System. Sau đó, trong Cycles Render Devices, hãy chọn CUDA hoặc OptiX. Sau khi hoàn tất, bạn sẽ có tùy chọn chuyển đổi thiết bị render sang GPU trong bảng điều khiển Render Panel của tệp cảnh.
Nếu bạn là người dùng Blender có card đồ họa AMD, quá trình này có thể hơi khác một chút. Bởi CUDA và OptiX dành riêng cho card NVIDIA (tương ứng dòng GTX và RTX), trong khi card AMD được hỗ trợ bởi OpenCL. Về cơ bản, quy trình bật render qua GPU AMD cũng tương tự như Nvidia, nhưng bạn sẽ chọn OpenCL thay vì CUDA hoặc OptiX. Một lưu ý nữa, hãy nhớ rằng tùy chọn render qua GPU chỉ khả dụng cho người dùng có card AMD của GCN (Graphics Core Next) thế hệ 2 trở lên. Vì vậy, hãy kiểm tra lại phiên bản card đồ họa bạn đang dùng để đảm bảo cấu hình máy của bạn tương thích với việc render qua GPU.
2. Giảm ánh sáng phản chiếu trong Render Tab
Ánh sáng phản chiếu có thể là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến việc render của bạn bị chậm. Nói một cách đơn giản, ánh sáng phản chiếu là cách Blender mô phỏng các đặc tính tự nhiên của ánh sáng và cách nó phản ứng hoặc phản xạ lại trên tường hoặc các vật thể khác. Đó là yếu tố quan trọng giúp cảnh được hiển thị chân thực hơn khi so sánh trên khung chiếu Viewport. Tuy nhiên, hình ảnh theo chủ nghĩa hiện thực lại tồn tại một vấn đề là tiêu tốn nhiều thời gian hơn để render.
Bạn có thể khắc phục nhược điểm này dễ dàng bằng cách truy cập bảng điều khiển Render Properties Panel của Cycles, sau đó chọn Light Paths (Đường dẫn ánh sáng) và điều chỉnh giảm chỉ số Max Bounces (Ánh sáng phản quang). Chỉ vài thao tác đơn giản đã giúp quá trình render của bạn nhanh hơn nhiều. Cài đặt mặc định của chỉ số Max Bounces là 12, nhưng thường khoảng từ 4 đến 8 cũng đủ cung cấp cho bạn một chất lượng ảnh chân thực tương đương mà không cần bị “đánh thuế” thời gian render của GPU.
Bạn có thể tùy chỉnh thêm thiết lập ánh sáng bằng cách điều chỉnh các loại đường dẫn ánh sáng riêng lẻ như Glossy (Độ bóng) hoặc Diffuse (Độ khuếch tán) bên trong tab Light Path. Bạn không nên thực hiện quá nhiều thay đổi vì nó có thể làm giảm chất lượng thực tế của kết quả render cuối cùng.
3. Giảm cài đặt Clamp Value
Trong tab Light Path (Đường dẫn ánh sáng), phía dưới cài đặt Max Bounces (Ánh sáng phản quang), bạn sẽ thấy cài đặt Clamp Value cho phép bạn đặt ngưỡng cho độ sáng và cường độ tối đa trong cảnh. Bằng cách giảm chỉ số này, thời gian render sẽ trở nên nhanh hơn nhiều. Thậm chí, tips này còn có thể giúp bạn giải quyết vấn đề về các điểm ảnh chết, bị cháy sáng hoặc hiện tượng “fireflies” xuất hiện trong quá trình render. Hãy luôn nhớ rằng bạn không nên thay đổi quá nhiều chỉ số Clamp Value vì điều đó có thể làm giảm tính chân thực của cảnh.
4. Tăng kích thước và số lượng Tile
Trong quá trình render thông thường, hình ảnh sẽ bắt đầu được xử lý ở một vài bản vá lỗi trên khung chiếu Viewport. Các bản vá lỗi đó được gọi là tiles (các ô). Tiles trên Blender cho phép CPU hoặc GPU tập trung vào một phần hình ảnh cụ thể tại một thời điểm, giúp tiết kiệm bộ nhớ và giảm khả năng gặp sự cố trong thời gian render.
Blender giờ đây cho phép bạn thay đổi kích thước của các ô này. Do kích thước độ phân giải khác nhau dẫn đến tình trạng một số cảnh được render nhanh hơn những cảnh khác. Vì vậy, các ô này không còn dựa vào số lượng mà dựa trên kích thước pixel (điểm ảnh). Trên Blender, GPU chỉ có thể render một ô tại một thời điểm, nên càng ít ô cần phải tính toán thì quá trình render trên GPU sẽ diễn ra càng nhanh.
Trong bảng điều khiển Render Properties Panel, chọn tab Performance (Hiệu suất). Tại đây, bạn có thể thay đổi kích thước ô theo trục X và Y. Kích thước mặc định là 64 × 64, nhưng iRender khuyến nghị 256 × 256 sẽ là kích thước ô tối ưu khi sử dụng GPU, giúp người dùng cắt giảm đáng kể thời gian khi render. Ngược lại, khi sử dụng CPU để render, cách tối ưu nhất để render nhanh hơn là làm cho kích thước ô nhỏ hơn.
5. Giảm số lượng mẫu
Yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng tốn nhiều thời gian nhất chính là số lượng mẫu. Các mẫu này sẽ bổ sung cho những hạt nhiễu trên hình ảnh được render. Vì vậy, bạn càng có nhiều mẫu, hình ảnh render cuối cùng càng sắc nét và mượt mà.
Trong bảng điều khiển Render Properties Panel, bạn có thể xác định số lượng mẫu trong mục Sampling bằng cách sử dụng tab Render và khung chiếu Viewport. Các tỉ lệ mặc định được cài đặt tương ứng là 128 và 32, nhưng những thông số này là không thể đủ để mang lại một kết quả render cuối cùng với chất lượng cao. Một số bản render chuyên nghiệp cần tối thiểu 3.000 mẫu. Tuy nhiên, đa số mọi người sẽ không quá chú ý với chất lượng hình ảnh của bạn dù bạn render với 2.000 mẫu, trừ khi bạn là một chuyên gia về điểm ảnh.
Nếu bạn chỉ đang render một cảnh tĩnh thì điều này có thể không gây nhiều phiền phức cho bạn, nhưng nếu bạn đang render animation, số lượng những mẫu đó sẽ tăng rất nhiều và làm chậm quá trình render một cách đáng kể. Lời khuyên cho bạn, hãy thử nghiệm với các tỷ lệ mẫu khác nhau và xem con số nào có thể cho bạn hình ảnh chất lượng nhất với ít mẫu nhất. Bạn không cần phải tận dụng hết hiệu suất của GPU cho những yếu tố không ai để ý.
Biến quá trình render trở nên dễ dàng
Ngoài Cycles, có rất nhiều lựa chọn khác cho phép bạn render 3D trên Blender. Bạn có thể dành thời gian để khám phá thêm những render setting hiệu quả và các công cụ render phổ biến bằng cách thường xuyên theo dõi các bài viết mới của iRender nhé!
Chúc bạn một ngày làm việc hiệu quả!
Nguồn: Sưu tầm internet